Thông tin báo chí

01/08/2024

Chia sẻ

Sáng nay, ngày 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm 2024 và hoạt động của Tổ công tác và Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự Hội nghị, GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ – Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lựcđã phản ánh 7 vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, gồm:

I. LĨNH VỰC Y TẾ

1. Đề nghị sửa đổi Quyết định 18/2017/QĐ-TTg Quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.
Ngày 31/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2017/QĐ-TTg Quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.
Trong đó, khoản 1 Điều 5 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học tương ứng theo ngành đào tạo. Quy định này đang làm hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh liên thông của các Trường Đại học khối ngành sức khỏe. Mặc dù Quyết định 18/2017/QĐ-TTg đã được ban hành đã hơn 5 năm, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang sử dụng nguồn nhân lực có trình độ Trung cấp y sĩ rất lớn. Hầu hết các đối tượng nhân viên y sĩ này đều đã có thời gian gắn bó, làm việc tại cơ sở y tế, trải qua nhiều thử thách, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác KCB và có nguyện vọng mong muốn được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục gắn bó công tác lâu dài tại các cơ sở khám chữa bệnh mà họ đang công tác.

Do vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm sửa đổi Quyết định 18/2017/QĐ-TTg, trong đó điều chỉnh nâng tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học lên cao hơn mức 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy được quy định hiện nay, giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở KCB hoạt động và cơ sở đào tạo phát huy hết năng lực đào tạo hiện có.

2. Về việc kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học
Hiện nay, cả nước có 05 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học.
Đây là các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm độc lập, bên ngoài các cơ sở khám chữa bệnh, được thành lập theo quyết định của Bộ Y tế để triển khai đánh giá chất lượng của các phòng xét nghiệm trong cùng khu vực.

Theo quy định hiện nay, hàng năm các cơ sở y tế thực hiện ký hợp đồng với các Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm để thực hiện chương trình ngoại kiểm theo đúng quy định, đảm bảo thủ tục thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là cả nước hiện chỉ có duy nhất 05 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở y tế ở các quy mô khác nhau đang tham gia kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại 5 Trung tâm Kiểm chuẩn nêu trên.

Theo phản ánh của cơ sở y tế, chỉ với 05 trung tâm kiểm định chất lượng xét nghiệm như vậy đang tạo ra sự bất hợp lý, vì nhiều nguyên nhân khiến cho việc kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại cơ sở KCB BHYT gặp khó khăn, thụ động, có cơ sở y tế phải chờ đợi được tổ chức đánh giá kiểm chuẩn hàng tháng, ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở y tế.

Do vậy, đề nghị xem xét thành lập thêm các Trung tâm kiểm định chất lượng xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của cơ sở KCB BHYT trong thực hiện quy định kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả điều trị và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở y tế.

3. Đề nghị xem xét bãi bỏ, hợp nhất một số văn bản quy phạm pháp luật.
a) Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân số 21-LCT/HĐNN8 được thông qua ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII.

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã ra đời được 35 năm. Qua rà soát, đối chiếu trên hệ thống cổng thông tin pháp điển Việt Nam, có nhiều nội dung, quan điểm, quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được thể chế, thay thế, điều chỉnh bằng quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và cụ thế hóa bằng quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Do vậy, đề nghị xem xét, sửa đổi hoặc bãi bỏ, thay thế Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cho phù hợp với tình hình mới.

b. Quyết định 3618/QĐ-BHXH ngày 12/12/2022 của BHXH Việt Nam Ban hành Quy trình giám định bảo hiểm y tế.
Trong nội dung quy trình hướng dẫn giám định có dẫn chiếu các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng quy định pháp luật mới.

c) Quy chế bệnh viện năm 1997
Quy chế bệnh viện được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997, đến nay đã gần 30 năm, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ sở KCB và người hành nghề, tạo khó khăn trong quá trình hoạt động của cơ sở y tế, do vậy, cần được sửa đổi, điều chỉnh kịp thời.
Bộ Y tế đã dự thảo Thông tư bãi bỏ một số nội dung trong Quy chế Bệnh viện, tuy nhiên, đến nay đã 01 năm nhưng vẫn chưa ban hành được.

II. LĨNH VỰC KHÁC

1. Lãng phí nhiều trụ sở, tài sản công
Thực tế tại nhiều địa phương hiện nay có tình trạng, sau khi xây mới hoặc sáp nhập, nhiều cơ quan Nhà nước, trường học, trạm y tế…. bị bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài sản, tài nguyên đất của Nhà nước. Thậm chí các trụ sở này đều đang còn công năng sử dụng và đều nằm ở các vị trí đắc địa.
Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo rà soát, thống kê toàn diện tình trạng trụ sở, tài sản đất công đang bị bỏ hoang và có phương án quản lý, tổ chức đấu giá, đấu thầu, thu hút đầu tư, tránh lãng phí tài sản công.

2. Vấn đề xin ý kiến cộng đồng dân cư khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp:
Việc lấy ý kiến điều chỉnh cục bộ 1/500 vẫn thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư 40 ngày là rất bất cập.
Căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng thực hiện như sau:
– Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm sau đây:
+ Lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng;
+ Tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Luật Xây dựng 2014.

Trên thực tế, khi quy hoạch Khu công nghiệp, Cụm công nghiêp chủ đầu tư đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ xuất phát từ nhu cầu thị trường, thực tiễn sản xuất kinh doanh, không phải chuyển ngành nghề nên không cần thiết phải xin ý kiến cộng đồng dân cư vì không ảnh hưởng đến dân cư. Chỉ nên quy định lấy ý kiến này thuộc quy hoạch dân cư.

Ví dụ: Một cụm công nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư xây dựng, chủ đầu tư cần điều chỉnh cục bộ một số hạng mục cho phù hợp như chuyển vị trí bể nước từ A sang B cũng phải xin ý kiến cộng đồng dân cư là không phù hợp.

3. Một số vướng mắc về môi trường, PCCC khi đầu tư Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp:

Theo quy định nhà đầu tư chỉ được thu hút nhà đầu tư thứ cấp khi hoàn thành xong các hạ tầng kỹ thuật từ xây dựng, PCCC, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải…Dẫn đến việc các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu đầu tư họ phải chờ thời gian dài, mất cơ hội thu hút dự án. Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp chỉ được Sở KH & ĐT cấp khi đáp ứng các điều kiện nêu trên. Nếu không có chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các DN nước ngoài không thể ký kết đơn hàng với đối tác…. Điều này gây lãng phí về thời gian, tài chính đối với cả chủ đầu tư Khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp. Có nhiều hạng mục như khu xử lý nước thải tập trung, PCCC, khi chủ đầu tư hoàn thành chưa có nhà đầu tư thứ cấp, không thể vận hành thử nghiệm được.

Đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các nhà đầu tư thứ cấp là mặt bằng sạch. Tuy nhiên do phải chờ đợi chủ đầu tư hạ tầng hoàn thành thủ tục, đầu tư công trình hạ tầng hoàn chỉnh nên mất đi nhiều cơ hội thu hút đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh. Nhà đầu tư thứ cấp nếu muốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, PCCC, môi trường lại tiếp tục thực hiện các thủ tục gần như lặp lại của chủ đầu tư hạ tầng.

=> Kiến nghị: Sau khi chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, PCCC…Tức là có mặt bằng sạch, cho phép các nhà đầu tư thứ cấp được thi công xây dựng song song. Nhà nước sẽ cấp phép có điều kiện, tức là các nhà đầu tư thứ cấp chỉ được hoạt động khi đầy đủ các thủ tục.

4. Thủ tục xác định giá đất Khu công nghiệp, cụm công nghiệp:
Mặc dù Chính phủ đã có quy định tại Nghị định số 12/2024 ngày 05/2/2024, thời gian xác định giá đất cụ thể 90 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các dự án lĩnh vực này kéo dài hằng năm, thậm chí 2 -3 năm.

Các quy định về phương pháp xác định giá đất mang tính chất định tính khiến bộ phận tham mưu không dám thực hiện, sợ sai, sợ trách nhiệm, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.

Nếu xác định sớm, nhà đầu tư sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính sớm cho nhà nước và triển khai đầu tư xây dựng, để nộp ngân sách sớm.

Do quy định thời gian cho thuê đất tính từ thời điểm có QĐ thuê đất nhưng do việc xác định giá đất chậm nên khi cấp giấy chứng nhận QSD đất thì giảm thời gian thuê đất của DN (Từ 50 năm giảm xuống còn dưới 50 năm, thậm chí 45 năm…).

Chia sẻ

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay