Gần 35 năm về trước, Việt Nam đang trong tâm thế chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ Đổi mới này đã mở ra một bước ngoặt lớn trong chặng đường phát triển của đất nước và đời sống nhân nhân; đặc biệt đã tạo điều kiện cho sự ra đời của tầng lớp doanh nhân mới.
Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Có thể nói, thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, đã phải vất vả rất nhiều. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước”.
Những câu chuyện về đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân cũng như hành trình đầy chông gai của họ trên chặng đường làm giàu cho đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc luôn khiến người ta phải thán phục. Người viết đã tìm đến một nhân vật đặc biệt – người từng gắn bó gần 30 năm trên chặng đường đổi mới của đất nước và có đóng góp quan trọng trong việc xóa bỏ lằn ranh giữa cái cũ và cái mới… để được nghe câu chuyện về một thời kỳ doanh nghiệp tư nhân vượt khó vươn lên trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Đó là Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực.
Ông vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng chiếc “Tù và hàng tổng” để tri ân và ghi nhận những công lao trong suốt chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông được biết đến là người dám nói thẳng, nói thật, không ngại va chạm. Thậm chí sẵn sàng chấp nhận “hy sinh” quyền lợi riêng để nói lên tiếng nói của những người không dám nói, hoặc không có điều kiện để nói.
Đó có lẽ cũng là lý do mà nhiều người gọi ông là một doanh nhân từng trải, cá tính và không sợ “miệng lưỡi thế gian”…
PV: Nhiều người nhận xét rằng, ông là doanh nhân rất cá tính. Ông nghĩ sao về điều này?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Cũng không hẳn như vậy. Cá tính hay không là do từng người nhìn nhận. Trong công việc hay cuộc sống, nếu cứ làm theo cá tính mà không có tư duy khoa học thì rất dễ rơi vào thất bại. Đến giờ phút này, tôi chỉ nghĩ mình là người từng trải, có chút bản lĩnh, đối mặt với chông gai, thử thách sau những gì đã trải qua suốt gần 30 năm làm kinh doanh.
PV: Ở Thanh Hóa, nhiều người ví ông là “lính cứu hỏa”. Biệt danh này liệu có phải do ông xuất thân từ lực lượng Phòng cháy chữa cháy của ngành công an hay vì một lý do nào khác?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: (Cười) Đúng là tôi có thời gian ngắn làm lính cứu hỏa của Công an Thanh Hóa. Nhưng biệt danh thì chắc chắn không xuất phát từ lý do ấy. Có lẽ phải kể lại cho bạn nghe về câu chuyện “giải cứu” Nghi Sơn năm 2010.
Sáng ngày 28/5/2010, một vụ nổ súng diễn ra ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, nơi giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hậu quả là 2 người chết, 1 người bị thương. Điều đáng nói, người nổ súng là một chiến sỹ công an đang công tác tại Công an huyện Tĩnh Gia. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc nghiêm trọng này được xác định là do xô xát giữa người dân với lực lượng công an bảo vệ công tác giải phóng mặt bằng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tình hình căng thẳng đến mức, nhà của Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải lúc bấy giờ đã bị người dân kéo đến đập phá, một số chiến sỹ công an bị thương. Một số phần tử kích động thừa cơ xúi giục gia đình đưa xác các nạn nhân ra TP. Thanh Hóa, thậm chí ra Hà Nội để gây sức ép với chính quyền. Sự kiện lại diễn ra đúng vào thời điểm đang tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động dân, gây rối.
Lúc đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã phải vào cuộc để xử lý điểm nóng. Nhưng tôi nghĩ, hơn hết là cần tìm người có kinh nghiệm, năng lực và hiểu địa bàn, tập quán để trực tiếp tham gia tháo ngòi nổ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ là ông Trịnh Văn Chiến và Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa là ông Trịnh Xuyên được Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ “Giải cứu Nghi Sơn”. Lúc đó, anh Chiến gọi cho tôi vì biết tôi là người Tĩnh Gia, lại từng là công an nên có thể dân vận được. Tôi không do dự nhận nhiệm vụ này.
Để có thể đến được 2 gia đình nạn nhân, tôi đã “nhờ” 200 công nhân của Công ty Long Hải, Tĩnh Gia đóng vai doanh nhân và người dân đi “yểm trợ” để đề phòng bất trắc. Sau khi vượt qua “cửa ải” đầu tiên, tôi tiếp cận được gia đình người mất, lắng nghe câu chuyện và chia sẻ nỗi đau mất mát với họ. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ, bây giờ phải tìm cách giải quyết sao cho người sống đỡ đau khổ mà người đã mất cũng an lòng. Còn ai sai đã có pháp luật xử lý. Tôi cam kết sẽ giúp gia đình tìm lại sự công bằng. Tiếp đó, tôi gặp riêng con gái của nạn nhân Lê Hữu Nam, để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng.
Rất may cô con gái lớn của nạn nhân đã hiểu, đồng cảm với phân tích của tôi và khuyên gia đình tổ chức mai táng cho bố cháu chu tất. Sau đó tôi đã giữ đúng lời hứa của mình, “hiến kế” cho chính quyền huy động cộng đồng doanh nghiệp Tĩnh Gia hỗ trợ kinh phí giúp gia đình các nhạn nhân khắc phục phần nào hậu quả vụ việc. Riêng cá nhân tôi đã nhận con gái của nạn nhân trong vụ này vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực.
Vụ việc ở Nghi Sơn được “tháo ngòi nổ”. Có lẽ từ đó mà mọi người gọi tôi là… lính cứu hỏa.
PV: Trở lại câu chuyện gần 30 năm trước… Thời điểm đó, khi tất cả đều muốn ổn định trong biên chế Nhà nước, ông lại xin “nghỉ hưu sớm” ở ngành Công an để nhảy vào thương trường vốn đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Ông có nghĩ quyết định của mình khi ấy là “liều lĩnh”?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Có thể khẳng định, thời điểm đó, từ bỏ biên chế Nhà nước là một quyết định khó khăn đối với tôi, đặc biệt là áp lực từ phía gia đình và bạn bè. Bạn tôi nói: “Đang yên đang lành xin nghỉ làm gì? Rồi sau này lấy tiền đâu để nuôi vợ con và lo toan cuộc sống?”. Nhiều người cũng khuyên tôi nên suy nghĩ lại kẻo sau này hối hận.
Vợ tôi thì muốn sau khi ra quân, vợ chồng dành chút vốn mở quán cơm bình dân, nhưng trong lòng tôi luôn tự hỏi: Nếu như thế thì đến khi nào mới khấm khá được. Rồi cuộc sống và tương lai của con cái sau này sẽ ra sao? Từ suy nghĩ ấy, tôi quyết định tìm hướng đi riêng cho mình. Vợ con, bạn bè và người thân trong gia đình đều hiểu tính tôi, khi đã quyết định điều gì sẽ quyết tâm làm bằng được, nên không ngăn cản nữa.
Tôi bắt đầu chập chững làm kinh tế từ những năm đầu thập kỷ 90 – thời điểm đất nước vừa xóa bỏ bao cấp và đang ở giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới.
Mặc dù kinh tế xã hội của đất nước đã đạt được những kết quả bước đầu từ quá trình đổi mới nhưng tôi vẫn nhớ, thời điểm đó dân ta còn nghèo lắm! Chính sách chưa theo kịp với cơ chế thị trường, người dân thì làm kinh tế theo kiểu mạnh ai người ấy làm, đường ai nấy đi, quản lý theo kiểu gia đinh, làm ăn chưa có khuôn khổ, tổ chức bài bản.
Nghĩ như vậy nên chỉ với 5 triệu đồng dành dụm khi ra quân, tôi và mấy người bạn cùng chung chí hướng quyết định góp vốn thành lập Hợp tác xã Vận tải. Người có tiền thì mua xe thanh lý từ các xí nghiệp vận tải, người thì góp bằng phương tiện xe hiện có của mình. Khi đó tôi là cổ đông “nghèo” nhất, nhưng lại được anh em tín nhiệm giao trọng trách làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Câu chuyện Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực ra đời là như vậy. Tên gọi “Hợp Lực” cũng có nghĩa rằng, tập hợp đồng nghiệp, đồng cam cộng khổ, chung sức đồng lòng vì sự phát triển, thịnh vượng chung.
Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy quyết định rời bỏ cơ quan Nhà nước sau khi xóa bỏ bao cấp có phần liều lĩnh. Nhưng nếu cứ chấp nhận với những gì đang có sẽ không bao giờ “lớn” được. Đến nay, sau gần 30 năm, từ một Hợp tác xã vận tải nhỏ bé, chỉ với 30 xe và 30 xã viên, đã phát triển thành Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực đa ngành nghề, với gần 2.000 cán bộ, nhân viên, người lao động.
PV: Từ bỏ cơ quan Nhà nước đến với thương trường đầy sóng gió thử thách, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất khi bắt đầu công việc kinh doanh?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Kỷ niệm thì nhiều lắm! Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là câu chuyện đi Cao Bằng buôn gạo.
Vào khoảng năm 1992, khi biết được tin người dân trên Cao Bằng đang khó khăn, đói khổ và rất thiếu lương thực, tôi cùng con trai, em rể và một chủ hàng gom đủ 16 tấn gạo quyết định làm liều một chuyến. Do nhiều người nói lên Cao Bằng đường rất khó khăn, vất vả nên đến Hà Nội, anh em tôi quyết định bán bớt đi 6 tấn cho xe giảm trọng tải, sau đó chở 10 tấn chạy thẳng một mạch lên Cao Bằng ngay trong đêm tối, đến rạng sáng thì gần tới nơi.
Khi chỉ còn cách trung tâm tỉnh Cao Bằng khoảng 50km, lúc này tôi cũng thấy hơi mệt nên đổi lái cho phụ lái và trèo lên thùng xe phía sau để tranh thủ chợp mắt. Nhưng đi được một đoạn thì thấy xe tròng trành, rồi đột nhiên mất lái, cứ thế lao thẳng xuống dốc, sau đó xe bị lật ngửa. Tôi bị cả 10 tấn gạo đè lên người. Gạo trong bao tải bung ra, tràn vào mắt, mũi, miệng, gây ngộp thở.
Trong khoảnh khắc ranh giới giữa sự sống và cái chết, tôi loáng thoáng suy nghĩ, phen này chắc nguy mất. Tôi nghĩ đến con gái vừa mới chào đời. Trong đầu tôi cầu xin trời đất cho tôi tai qua nạn khỏi để được trở về với gia đình, con cái…
May sao, người dân quanh vùng thấy xe gạo lật đã đến giúp sức, cứu hộ… Tất nhiên cũng có người tranh thủ xúc ít gạo, nhưng như thế lại may vì hơn 10 tấn gạo đang đè trên người tôi chỉ trong chốc lát được dỡ bỏ, tôi may mắn thoát chết.
Sau đó gom góp lại còn được 4 tấn gạo, nghĩ cũng thấy tiếc nhưng quan trọng là không ai thiệt mạng, còn người là còn của. Về phần mình, tôi bị thương khắp người, được đưa vào bệnh viện cấp cứu đúng 10 ngày với gần 100 mũi khâu vết thương trên cơ thể. Chúng tôi bán tháo số gạo còn lại, sửa tạm xe để về. Tôi còn nhớ như in hình ảnh, tôi lái xe một tay (một tay phải băng bó) suốt quãng đường từ Cao Bằng trở về Thanh Hoá. Đó là một câu chuyện buồn nhưng cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời khởi sự kinh doanh của tôi.
PV: Thời ông bắt đầu làm kinh tế, có lẽ định nghĩa “kinh tế tư nhân”, “doanh nhân” còn khá xa lạ (mãi đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải mới ký quyết định hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”). Thậm chí những người làm kinh tế tư nhân khi ấy có khi còn bị người đời nhìn với ánh mắt kỳ thị, hoặc bị đối xử không công bằng, bị coi là “con ghẻ” trong nền kinh tế. Những người làm kinh doanh như ông thời điểm đó có cảm thấy tủi thân và làm sao để luôn lạc quan tiến tới?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Đúng là thời đó, những khái niệm như “doanh nhân” hay “kinh tế tư nhân” còn khá xa lạ với người dân, thậm chí ngay cả trong tư duy của nhiều cán bộ quản lý Nhà nước cũng chưa nghĩ đến. Làm kinh tế tư nhân khi đó như kiểu “ném đá dò đường”, tức là vừa làm, vừa kiến nghị thay đổi những chính sách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Tôi còn nhớ mãi chuyện về kiến nghị thay đổi chính sách mà tôi tưởng chừng mình sẽ gặp nguy.
Năm 2002, khi thực hiện chủ trương áp thuế môn bài đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, cơ quan chức năng tính thuế trên “đầu xe” chứ không dựa trên quy mô vốn điều lệ của Hợp tác xã. Như vậy, nếu doanh nghiệp có 100 xe vận tải thì sẽ tính thuế môn bài trên đầu 100 xe. Điều này gây khó khăn, vướng mắc cho rất nhiều hợp tác xã trên địa bàn cả nước, chứ không riêng Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực.
Chúng tôi thấy rằng, khi xã viên tham gia vào Hợp tác xã thì không thể áp dụng thuế môn bài cho từng phương tiện vận tải được. Việc áp dụng cách tính nêu trên là bất hợp lý, dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ do vốn ít nhưng đầu xe nhiều có khi lại phải nộp thuế nhiều hơn doanh nghiệp to, vốn lớn. Điều này có phần không phù hợp với chủ trương khuyến khích việc thành lập, phát triển mô hình Hợp tác xã thời điểm đó.
Khi ấy, rất nhiều người làm kinh doanh bức xúc nhưng không dám nói, vì sợ bị quy chụp cho là gây rối, hoặc chống lại chính sách, thậm chí có thể vào trại chứ chẳng chơi. Cá nhân tôi đã đề xuất nhiều lần bằng văn bản và phát biểu trực tiếp tại các diễn đàn nhưng đều vô vọng.
Nhưng thật may mắn, cũng trong năm đó, Chính phủ lần đầu tiên tổ chức hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại TP.HCM, do Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì. Khi nghe được thông tin này, mặc dù không thuộc thành phần mời nhưng nghĩ đến rào cản về cơ chế, chính sách của Hợp tác xã lúc bấy giờ, tôi quyết định đánh liều một phen, cơm đùm cơm nắm, mua vé tàu chợ vào Nam để được gặp Thủ tướng và mong muốn gửi kiến nghị, khó khăn vướng mắc hiện tại của cộng đồng Hợp tác xã cả nước.
Đến hội nghị, sau khi năn nỉ, thuyết phục, tôi được cảnh vệ cho vào hội trường. Sau phần phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã đánh “liều” vừa giơ tay đăng ký phát biểu vừa đi thẳng lên sân khấu, gần như là tranh lấy diễn đàn. Ngay lập tức tôi bị bộ phận an ninh giữ lại, nhưng rất may Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra hiệu cho anh em cảnh vệ để cho tôi lên diễn đàn phát biểu.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cảm xúc phát biểu lúc đó, vì sự phát triển của kinh tế Hợp tác xã nên tôi đã nói liền một mạch 5 vấn đề bằng tâm huyết, gan ruột của mình; trong đó nhấn mạnh đến vấn đề thuế môn bài của Hợp tác xã vận tải, đặc biệt lúc đó dù đã vượt thời gian cho phép phát biểu nhưng Thủ tướng và cả hội trường vẫn ngồi nghe mà không cắt lời.
Khi bài phát biểu của tôi kết thúc, cả hội trường vỗ tay. Thú thật, tôi đã không kìm nén được cảm xúc mà nước mắt cứ trào ra nên không thể ngồi lại dự họp hết hội nghị và cứ thế rời khỏi hội trường ra về.
PV: Lúc kiến nghị xong, ông có nghĩ gì không?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Trước khi vào Hội nghị, tôi cũng xác định mình sẽ đối diện với hai tình huống có thể xảy ra. Một là kiến nghị đó sẽ được lắng nghe. Hai là có thể sẽ bị bắt vì không có giấy mời nhưng tự ý vào Hội nghị (cười).
Thực tình tôi cũng không hy vọng có thể thay đổi được chính sách ngay lập tức; nhưng ít nhất, nỗi bức xúc, ấm ức của cộng đồng doanh nghiệp khối hợp tác xã cũng được trình bày, gửi gắm, giải tỏa trước người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ.
Sau khi phát biểu xong tôi đi thẳng một mạch ra ga Sài Gòn để chuẩn bị mua vé tàu về Thanh Hóa mà không kịp lắng nghe Thủ tướng phản hồi ý kiến. Chiều hôm đó, tôi đang ngồi ăn cơm bụi ở ga thì nhận được cuộc điện thoại lạ. Người gọi giới thiệu tên là Quách Lê Thanh (lúc đó là Tổng Thanh tra Chính phủ), anh Thanh giới thiệu là người cùng quê hương Thanh Hoá với tôi.
Anh Thanh có nói: Sau Hội nghị, trong bữa cơm trưa, Thủ tướng có nói với anh Thanh rằng, cậu doanh nghiệp ở Thanh Hóa phát biểu rất gay gắt nhưng rất thẳng thắn và đúng. Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và các đơn vị có liên quan sớm tổ chức họp để sửa đổi chính sách và sau 15 ngày phải trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng gửi lời khen phần phát biểu của tôi. Thú thật lúc đó, giữa sân ga Sài Gòn, tôi lại khóc vì vui mừng xen lẫn xúc động.
Sau đó 15 ngày, cộng đồng kinh tế hợp tác xã cả nước vô cùng phấn khởi đón nhận một tin vui là những kiến nghị đã được Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết. Từ đó, hàng trăm xe, thậm chí có Hợp tác xã ở TP.HCM có hàng nghìn xe cũng chỉ cần nộp thuế môn bài theo vốn điều lệ với pháp nhân là Hợp tác xã.
Đối với tôi, đó là kỷ niệm đáng nhớ!
PV: Năm 2003, thời điểm ấy, xã hội hóa y tế vẫn còn là khái niệm mới mẻ ở xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung, nhưng ông lại quyết định xây bệnh viện tư nhân, sau này còn đứng ra xin thành lập Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, đồng thời được giao trọng trách giữ chức Chủ tịch Hiệp hội này. Câu chuyện xây dựng bệnh viện tư nhân cũng giống như ý tưởng của ông về hỏa thiêu, xây dựng nơi an nghỉ cho người mất vậy… Nhiều người nói, ông là dân kinh doanh vận tải, không có bằng có cấp về y tế, biết gì về y tế mà đòi xây bệnh viện hay hỏa táng. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Năm 2003, sau khi xây dựng thành công mô hình Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực, chúng tôi quyết tâm thực hiện chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở nền tảng sẵn có của thương hiệu Hợp Lực. Theo kế hoạch, Hợp Lực dự định xây dựng một khách sạn 9 tầng ở cửa ngõ phía Bắc TP. Thanh Hóa.
Tuy nhiên, chứng kiến cảnh người dân Thanh Hoá mỗi lần ra Hà Nội khám chữa bệnh là cơm đùm, cơm nắm dắt díu bắt xe đi từ tờ mờ sáng, lúc đó trong đầu tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao cứ đi khám, chữa bệnh, phần lớn lại phải ra bệnh viện tuyến Trung ương? Không lẽ ở tỉnh lẻ không làm được hay sao? Một người đi chữa bệnh mà kéo theo mấy người chăm sóc thì tiền đâu cho lại. Vô cùng tốn kém, vất vả!”.
Chính vì vậy, mặc dù dự án khách sạn đang xây được đến tầng thứ 4, Hội đồng quản trị đã quyết định táo bạo là xin chuyển đổi mục đích kinh doanh sang xây dựng bệnh viện tư nhân. Khi đó, đưa ra quyết định xây dựng bệnh viện tư nhân cũng gặp vô vàn khó khăn, mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa ngành y tế. Bạn bè tôi vô cùng bất ngờ xen lẫn nghi ngờ về quyết định này, vì tất cả đều nghĩ rằng ông Đệ không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế thì khó làm nên trò trống gì, thậm chí quá liều lĩnh và dễ dẫn đến phá sản. Đến khi tôi trình tỉnh chủ trương xây dựng bệnh viện, các sở, ngành đều có văn bản đề nghị lãnh đạo địa phương xem xét, cân nhắc kỹ. Tôi còn nhớ, trước giờ họp để thông qua chủ trương cho Hợp Lực thuê đất xây dựng bệnh viện, một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa (xin được phép giấu tên) khi gặp tôi tỏ ý không vừa lòng và nói: “Ông biết gì về bệnh viện mà đề xuất vớ vẩn, làm mất thời gian của anh em”.
Nhưng rất may mắn, có Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Trọng Quyền và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Đoan, đã luôn ủng hộ, động viên tôi. Nhờ đó mà chủ trương xây dựng bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Thanh Hóa của tôi được tháo gỡ, thông qua, và tôi cũng bắt đầu đặt viên gạch hồng đầu tiên tạo tiền đề, động lực, nền móng cho hệ thống y tế tư nhân Thanh Hoá và cả nước phát triển sau này.
Về mặt chuyên môn, tôi nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của một số chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm trong ngành y, cố vấn về cách làm (điều kiện và trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện…). Ngoài ra, đội ngũ y bác sỹ bệnh viện được tuyển chọn kỹ càng. Hầu hết những cán bộ chủ chốt tại bệnh viện đều có trình độ chuyên môn giỏi; trang thiết bị vào loại hiện đại, tiên tiến. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống y tế nói chung, y tế tư nhân nói riêng.
Tương tự như vậy, khi đầu tư xây khu hỏa táng, tôi cũng gặp muôn vàn khó khăn, bởi đây là lĩnh vực mới mẻ, đụng chạm đến tín ngưỡng, tâm linh, phong tục, tập quán… Thậm chí ngay cả một số cán bộ lãnh đạo cũng băn khoăn… Nhưng cứ nghĩ đến chuyện khi có người thân mất, người dân Thanh Hoá phải mất 5 tiếng để ra Hải Phòng hoả táng, rồi ăn chực nằm chờ, sau đó lại rồng rắn 5 tiếng đồng hồ đưa về Thanh Hoá an táng. Tôi thấy người dân vất vả quá!
Sau đó, tôi quyết định đầu tư dự án Phúc Lạc Viên Đài hoá thân hoàn vũ Thanh Hoá ngay trên phần đất dự án được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thanh Hoá triển khai nhưng không thực hiện được. Khi tôi làm tờ trình đề xuất thực hiện dự án, lãnh đạo tỉnh đã cử hẳn một đoàn công tác đi các nơi có dịch vụ hoả táng để tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, sau đó mới đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư cho tôi.
Rồi dự án đi vào hoạt động cũng không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió…
Nhưng bây giờ thì sao? Hỏa táng đang dần trở thành một thói quen rất văn minh của người dân không chỉ Thanh Hóa mà cả các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An… Chúng tôi tự hào rằng, Phúc Lạc Viên Thanh Hoá giờ đây không phải chỉ là nơi thực hiện dịch vụ hoả táng, mà còn là nơi giao thoa văn hoá tâm linh giữa truyền thống và văn minh hiện đại, nơi chứng minh sự tiến bộ của xã hội, đặc biệt cũng là sản phẩm minh chứng cho mục tiêu bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân.
Cũng từ câu chuyện làm bệnh viện, đầu tư hoả táng mà người dân Thanh Hoá có câu cửa miệng vui rằng: “Từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi đều gặp ông Đệ”.
Nói chung, ai làm doanh nghiệp cũng phải tính đến lời lãi, nhưng chuyện lợi nhuận chưa hẳn đã quan trọng, bởi kinh doanh mà không gắn với lợi ích xã hội thì không bao giờ bền vững được.
PV: Quá trình thực hiện các dự án đầu tư của Hợp Lực dường như đều đụng chạm đến tư tưởng cũ, lạc hậu. Ông phải làm gì để đấu tranh với tư tưởng thủ cựu như vậy?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Câu hỏi rất thú vị bởi liên quan đến quá trình “đấu tranh” đòi quyền lợi không mệt mỏi để có sự công bằng, minh bạch, trên hết là vì sự phát triển lĩnh vực mà chúng tôi đã tham gia đầu tư.
Đơn cử như ngày tôi tổ chức khánh thành bệnh viện, có một số bác sỹ khi khai trương xong thì các bà vợ đến dắt tay kéo các ông chồng ấy về vì không đồng ý cho chồng làm bệnh viện tư. Chưa hết, trong quá trình hoạt động, một số cán bộ trong ngành y tế hiểu sâu và có tư tưởng đổi mới quyết định chuyển sang làm với tôi thì bị khuyên can, ngăn cản, thậm chí tìm cách để cấm vận. Khi bác sĩ trẻ về bệnh viện công tác thì bị nói xấu, thậm chí nhiều người còn tìm cách chặn chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Người ta cho rằng, bác sĩ trong bệnh viện công lập có trình độ, chuyên môn còn chưa lên tiếng, thì ông Đệ làm gì có chuyên môn mà đòi làm và quản lý bệnh viện.
Có lần có một bệnh nhân cấp cứu, cần được truyền máu khẩn cấp, mà lại là loại máu hiếm. Tôi trực tiếp đến một bệnh viện công (xin không nêu tên) xin cầu cứu được hỗ trợ cấp máu để cứu bệnh nhân nhưng không được, chúng tôi xin chuyển viện để cứu người họ cũng không đồng ý nhận. Trong lúc cùng đường, rất may có một người dân mách bảo có người ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương thuộc nhóm máu hiếm này. Tôi không kịp hỏi mà năn nỉ người đó lên xe chỉ đường và lao xe đi ngay trong đêm với hai hàng nước mắt. Đến nơi tôi làm công tác tư tưởng với người nhà để xin máu cho bệnh nhân. Cuối cùng bệnh nhân được cho máu và cứu sống.
Tôi kể câu chuyện này chỉ để nhấn mạnh rằng, nếu không có bản lĩnh, ý chí kiên cường, dám đối mặt với thử thách sẽ rất dễ nhận lấy sự thất bại. Kể cả cho đến nay, lực lượng y tế tư nhân đã có sự phát triển và đóng góp xứng đáng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy tủi thân khi các văn bản hành chính dùng từ “ngoài công lập” để chỉ các cơ sở y tế tư nhân. Chữ “ngoài” thể hiện sự phân biệt, thuộc phạm vi đối lập, đứng ngoài… Theo tôi, không có “trong” hay “ngoài”, mà chỉ có lấy chất lượng làm thước đo giá trị. Đừng nặng nề khái niệm Nhà nước hay tư nhân, mà quan trọng là con người đó, lực lượng đó đóng góp được gì cho xã hội, cho đất nước.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nhớ lại câu nói của anh Nguyễn Văn Lợi, khi còn là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa, từng phát biểu rất thẳng thắn rằng: Sự thành công của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tạo ra bước ngoặt quan trọng và sự thay đổi toàn diện đối với hệ thống y tế công lập tỉnh Thanh Hoá thời điểm ấy. Đặc biệt sự thành công của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh, phá bỏ tư duy lạc hậu, sự độc quyền, độc đoán, phân biệt đối xử công – tư, xoá bỏ vấn nạn phong bì, phong bao. Tự thân các bệnh viện công lập đã phải nhận thức lại, tự điều chỉnh mình, thay đổi thái độ phục vụ, đột phá trong đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp với xu thế phát triển, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
PV: Ông vừa đề cập tới sự phân biệt y tế công lập và y tế tư nhân; tôi cũng được nghe nhiều đến sự “đấu tranh” về mặt chính sách của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về tổ chức này không?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Từ năm 2005, môi trường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở y tế tư nhân đã có bước phát triển, hình thành sự cạnh tranh giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân, góp phần thúc đẩy phát triển chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao thái độ phục vụ người dân. Tuy nhiên, hoạt động y tế tư nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn như: Việc cụ thể hoá chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách khuyến khích y tế tư nhân phát triển vẫn còn khoảng cách khá xa.
Nhiều luật, văn bản dưới luật về y tế thời điểm đó chưa có sự nhìn nhận công bằng giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước, trở thành “rào cản” đối với sự phát triển của khối y tế tư nhân. Ngoài ra, sự ra đời, hoạt động của một số cơ sở y tế tư nhân còn tự phát, chưa có chiến lược đầu tư phát triển bài bản, hệ thống và sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Bản thân một số nhà đầu tư y tế tư nhân thiếu kinh nghiệm, chưa quan tâm, tìm hiểu đầy đủ cơ chế chính sách để định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Thế nên, nhiều bệnh viện tư mặc dù ra đời nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh như vậy, tôi nghĩ cần phải có một tổ chức đủ mạnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam.
PV: Ông từng được ví là người đi phá những “tảng băng” cơ chế trong lĩnh vực y tế. Điều này có lẽ được thể hiện rõ nhất từ khi ông giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Cuối năm 2014, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chính thức được thành lập. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Hiệp hội đã chứng minh được vai trò, vị thế của mình trong việc góp ý xây dựng chính sách y tế, dần xoá bỏ rào cản, tư tưởng phân biệt công – tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng nghìn hội viên.
Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, tôi cùng Ban chấp hành Hiệp hội tham gia hàng trăm văn bản góp ý về hoạt động xây dựng phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, tôi mạnh dạn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi nhiều chính sách mở đường cho y tế tư nhân có sự công bằng, phát triển mạnh mẽ và có vị thế như ngày hôm nay.
Như việc điều chỉnh, sửa đổi điều 52 Luật Đấu thầu năm 2013, cho phép cơ sở y tế tư nhân được tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc, vật tư y tế; kiến nghị thực hiện chính sách thông tuyến huyện, thông tuyến tỉnh quy định trong Luật BHYT năm 2014; chính sách người dân đi khám, chữa bệnh vào thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết ở bệnh viện tư nhân vẫn được BHYT thanh toán…
Đặc biệt gần đây nhất là Bộ Luật Lao động sửa đổi, dự thảo Luật dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua với quy định giờ làm thêm là 200 giờ, nhưng tôi đã phải làm văn bản kiến nghị khẩn cấp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, điều chỉnh nâng giờ làm thêm từ 200 giờ lên 300 giờ và xem ngành y tế là ngành đặc thù. Bởi nếu không quy định ngành y tế là đặc thù, thì vô hình trung sẽ buộc nhân viên y tế phải đứng trước sự lựa chọn: Hoặc “chấp nhận vi phạm quy định luật pháp để cứu chữa người bệnh”, hoặc “buộc phải từ chối cứu chữa tính mạng người bệnh để không vi phạm quy định về giờ làm thêm”…
Rất mừng là những kiến nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu, sửa đổi kịp thời để phù hợp với thực tiễn.
PV: Gần đây, ngành y tế cả nước lại xôn xao câu chuyện ông mời bác sỹ Hoàng Công Lương về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Vụ việc liên quan tới bác sĩ Hoàng Công Lương chắc nhiều người cũng đã biết. Nhưng tôi nghĩ, ngoài trình độ học vấn, được đào tạo bài bản, bác sĩ Hoàng Công Lương còn có nhân cách, đạo đức tốt… Vì thế tôi cho rằng, không nên bỏ rơi và phán xét quá nặng nề. Tôi cũng có chia sẻ quan điểm với một số người rằng, nếu bác sĩ Hoàng Công Lương không còn cơ hội quay về cơ quan cũ làm việc thì tôi sẽ đón cậu ấy về làm việc với tôi, với những đồng nghiệp của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, cho dù lực lượng y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ở thời điểm này đã đủ và bão hoà. Chính vì vậy tôi đã gửi thư, gọi điện động viên cậu ấy và có lời mời cậu ấy về làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực.
Hiện tại, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn đang chịu sự quản lý của cơ quan pháp luật, cậu ấy có nói cảm ơn tôi và đang dành thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần trước khi đi làm trở lại.
PV: Ông không ngại và chấp nhận những lời dị nghị của một số người khi quyết định mời bác sĩ Hoàng Công Lương về làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực hay sao?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Cũng có người khuyên tôi nên cân nhắc khi mời bác sĩ Hoàng Công Lương về làm việc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện, nhưng tôi không quan tâm.
Tôi nghĩ mình đã quyết định đúng và mọi người trong Tổng Công ty khi biết được thông tin này đều rất mừng và ủng hộ. Bởi như tôi nói ở trên, họ tin bác sĩ Hoàng Công Lương là người tốt và có trình độ. Hơn nữa, y khoa là một nghề nhân văn, cao quý, phải có tấm lòng vị tha, tôi mong làm được điều gì đó cho bác sĩ Hoàng Công Lương, giúp bạn ấy có cơ hội làm lại từ đầu.
Cuộc sống, ai cũng có thể mắc phải sai lầm. Nhưng quan trọng là phải có bản lĩnh, đứng dậy sau vấp ngã và phải tạo cho người khác cơ hội để sửa chữa để họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
PV: Không chỉ tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, được biết ông còn tham gia giữ nhiều cương vị và nhiều lần đích thân giảng bài tại các lớp đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thanh Hóa, các diễn đàn khởi nghiệp của tuổi trẻ xứ Thanh. Có vẻ như ông là người khá “ham” việc?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Ham việc thì chưa hẳn đâu, chắc có lẽ là do một phần xuất thân từ gia đình nghèo khó, một phần do tôi yêu lao động, luôn nỗ lực vượt qua bao gian truân, khổ cực để rèn rũa, tạo nên con người mình một khí chất riêng. Tôi là người làm hết mình và “chiến đấu” hết mình. Đơn giản thế thôi! Chính vì vậy mà trong gần 20 năm làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tôi đã xây dựng một tập thể Hiệp hội vững mạnh về tổ chức, ổn định chất lượng hoạt động. Từ chỗ năm 2003 chỉ có 260 doanh nghiệp, đến nay Thanh Hoá đã có hơn 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực, loại hình kinh doanh.
Chúng tôi đã xây dựng một tổ chức Hiệp hội có uy tín đối với Nhà nước, UBTW MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…, có vị thế đối với cộng đồng Hiệp hội doanh nghiệp cả nước. Điểm nổi bật nhất để tạo nên thành công đó chính là sự khẳng khái, dám hy sinh bản thân, không ngại va chạm, dám mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hàng ngàn hội viên trong và ngoài tỉnh Thanh Hoá.
Từ lẽ đó, tại đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá tổ chức cuối năm 2020 vừa qua, TS. Vũ Tiến Lộc đã trao tặng tôi chiếc “Tù và hàng tổng” để tri ân và ghi nhận những công lao đóng góp của tôi trong suốt chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp. Ghi nhận những thành tích, đóng góp của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá sau gần 20 năm phát triển, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Bộ, Ban, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hoá trao tặng.
PV: Triết lý của ông trong công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp là gì? Và ông nghĩ sao về quan điểm cần đối xử với người lao động, cấp dưới quyền như một “hình thức đầu tư”, thay vì sự ban ơn, ban phát?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Nói đơn giản thế này: Người lao động làm việc tốt thì mới có ông Đệ và Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực ngày hôm nay. Tôi tự hào rằng, hơn 20 năm điều hành doanh nghiệp, chưa có người lao động nào trong công ty phàn nàn với tôi về chế độ lương, thưởng, đãi ngộ. Do đó, khi người lao động thỏa mãn về vật chất, môi trường làm việc thì hiệu quả, hiệu suất làm việc sẽ tăng lên và tôi cũng được hưởng lợi từ đó. Năm 2017, doanh nghiệp chúng tôi tổ chức đi du lịch Thái Lan cho cán bộ, nhân viên có thành tích xuất sắc trong năm. Trong đoàn, không chỉ có lãnh đạo các đơn vị mà còn có cả anh bảo vệ, chị lao công, nghĩa là ai làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, người đó được trả công xứng đáng, không phân biệt chức vụ, quyền hạn.
Ở Hợp Lực, chỉ có sự hợp tác, đoàn kết, phát triển cùng có lợi giữa người lao động với người sử dụng lao động chứ không có chuyện ban ơn, ban phát. Tôi cũng tự hào rằng, hiện nay đang trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng gần 2.000 cán bộ, nhân viên, người lao động của Hợp Lực vẫn đảm bảo thu nhập ổn định, chưa có ai phải nghỉ việc.
PV: Được biết ông là người hăng hái, thẳng thắn, quyết liệt, bộc trực trong những phiên tranh luận trên các diễn đàn, hội nghị. Có vẻ như ông không ngại “va chạm”, thậm chí sẵn sàng chịu thiệt thòi về mình?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Việc va chạm trong công việc, kể cả giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, là không thể tránh khỏi. Có người không ưa tôi vì tôi phát biểu thẳng thắn, đụng chạm tới lợi ích của họ, nhưng nếu những góp ý đó có lợi cho sự phát triển của xã hội thì tôi chẳng ngại gì, thậm chí không màng đến lợi ích cá nhân để bảo vệ và đi đến cùng sự việc.
Như về vấn đề y tế, tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần thận trọng khi cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, đây là hình thức lợi dụng chính sách xã hội hoá y tế để khai thác quỹ đất, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế công lập để phục vụ cho một nhóm lợi ích. Hậu quả chính là vấn đề tham nhũng, chia chác, sự phân biệt giai cấp trong bệnh viện, gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
Nguy hiểm hơn, nếu mỗi một tỉnh có một bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ “bóp chết” hàng chục bệnh viện tư khác trên địa bàn, và làm thui chột ý chí quyết tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp để chia sẻ với hệ thống y tế công lập vốn đã quá nhiều “uể oải” do lịch sử để lại. Và trên thực tế cũng đã chứng minh hệ quả của mô hình hợp tác đầu tư này. Tất nhiên, khi tôi đưa ra kiến nghị này, một số quan điểm tỏ thái độ không đồng tình, nhưng cũng nhiều người cũng rất tâm đắc thấy tôi dám nói thẳng, nói thật và nói đúng thực tế.
Hay như câu chuyện cách đây khoảng 12 năm, cũng tại Hà Nội, tôi nhớ Bộ Chính trị tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng chính sách, bàn về phát triển kinh tế tư nhân, phục vụ soạn thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, hội nghị do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó đang làm Chủ tịch Quốc hội chủ trì, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Tôi vinh dự đi cùng đồng chí Hồ Mẫu Ngoạt, khi đó là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá, ra tham dự. Tại hội nghị, khi đề cập đến khái niệm “doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước”, tôi thấy không hợp lý, nên mạnh dạn tham gia phát biểu quan điểm là nên bỏ ngay cụm từ “doanh nghiệp ngoài Nhà nước”, vì như thế là không công bằng và phân biệt đối xử.
Nhiều người dự hội nghị rất bất ngờ và nghĩ rằng tôi có thể gặp phiền phức, thế nhưng đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bày tỏ ủng hộ tôi, đồng thời đặt câu hỏi ngay tại hội nghị là, doanh nhân có phải là người ngoài hành tinh vào Việt Nam hay từ đất nước khác đến hay không? Sau đó, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Ban soạn thảo phải bỏ ngay cụm từ này, và nghiêm cấm sử dụng trong các văn bản pháp luật nhà nước. Cuối buổi hội nghị hôm đó, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã đến chia sẻ, động viên và bày tỏ đồng tình ủng hộ quan điểm của tôi. Đây là kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp hoạt động chính trị xã hội của tôi.
Tóm lại, khi phát biểu tôi chỉ nghĩ rằng, mình dám nói thẳng, nói thật thì mình phải không ngại và không sợ va chạm, thậm chí sẵn sàng chấp nhận “hy sinh” quyền lợi của riêng mình, sẵn sàng tâm thế nói lên tiếng nói của những người không dám nói, hoặc không có điều kiện để nói. Chính vì vậy, những kiến nghị của tôi là vì quyền lợi chung chứ không vì riêng cá nhân, nên đã được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Nhiều lãnh đạo đổi mới đã thấu hiểu, sẵn sàng điều chỉnh, từ đó góp phần vào việc làm thay đổi về cơ chế chính sách thuận lợi; và khi cộng đồng xã hội, đất nước phát triển thì có cả quyền lợi của bản thân mình, doanh nghiệp mình trong đó.
PV: Có lần trên một diễn đàn hội nghị gồm rất nhiều quan chức của tỉnh, ông đã từng đề nghị “xử lý” một lãnh đạo Sở hoặc sẵn sàng đối chất với một lãnh đạo tỉnh nọ vì cho rằng quyết định của địa phương đưa ra là không phù hợp. Sau phát biểu đó, ông có nghĩ mình sẽ được gì và mất gì không? Mọi chuyện diễn biến như thế nào sau mỗi lần “căng thẳng” đó? Mối quan hệ giữa ông và họ bây giờ thế nào?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Như tôi nói ở trên, mình phát biểu theo quan điểm vì cái chung chứ không phải cá nhân nên không quan tâm chuyện thiệt thòi. Nếu có thiệt thòi cho cá nhân mình mà xã hội phát triển, tôi sẵn sàng chấp nhận. Và đây là sự đấu tranh, phản biện trên tinh thần trí tuệ, vì sự phát triển chứ không phải tư thù, ghét bỏ gì, vì tính tôi thẳng thắn, bộc trực, rõ ràng, “công ra công, tư ra tư”, không thù hận cá nhân. Chính vì vậy, nhiều người va chạm với tôi, sau này họ hiểu ra, họ chia sẻ, đồng tình, thậm chí có người còn đến xin lỗi tôi, và rồi “anh em lại vẫn là anh em”, không có gì vướng mắc cả.
PV: Một điều khá thú vị và bất ngờ đối với tôi đó là, mặc dù ông là Uỷ viên UBTW MTTQ Việt Nam, Đại biểu HĐND tỉnh 2 khoá, rồi nhiều chức vụ khác, nhưng ông lại không phải Đảng viên. Đặc biệt hơn, Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực có cả một Đảng bộ với lực lượng Đảng viên hùng hậu. Xin ông chia sẻ về điều này.
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Cảm ơn bạn! Đó cũng là “thắc mắc” của không ít người.
Thú thật là nguyên nhân chính vẫn là do tôi quá bận, với khối lượng công việc nhiều, vừa điều hành hoạt động 20 đơn vị thành viên Tổng Công ty, vừa tham gia hoạt động các chức trách nhiệm vụ tổ chức xã hội, tôi gần như chỉ dành hết thời gian cho công việc.
Rất nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã động viên tôi vào Đảng, và tôi cũng rất trăn trở. Nhưng rồi tôi nghi, mình không vào Đảng mà vẫn đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vẫn đi theo đường lối của Đảng thì có sao đâu. Ví dụ có nhiều người rất giỏi như GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ GD – ĐT, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, GS. Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu… cũng không phải Đảng viên, nhưng họ đều có chung một khát khao cống hiến hết mình cho đất nước, cho dân tộc để làm sao cho xã hội tốt đẹp hơn.
Chính vì lẽ đó, mặc dù không phải Đảng viên, nhưng tôi luôn tập trung phát triển đảng trong cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Là người gắn liền với thực tiễn hoạt động, trong giai đoạn giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thành uỷ thành phố Thanh Hoá mời tôi đi tuyên truyền, vận động với các chủ doanh nghiệp để phát triển đảng viên trong doanh nghiệp và thành lập các chi bộ Đảng. Khi doanh nghiệp hiểu được thì họ rất đồng tình và ủng hộ.
Ngay như Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực, chi bộ ngày đầu thành lập năm 2005 chỉ có 4 đảng viên, đến nay Đảng bộ Tổng Công ty đã có 160 đảng viên, chúng tôi đang phấn đấu sẽ phát triển lên 180 đảng viên trong năm nay.
PV: Cuộc phỏng vấn này sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến hai từ “Bầu Đệ”. Xin ông cho biết nhân duyên của cuộc đời ông với bóng đá?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Đúng là như vậy, vì bóng đá đã cho tôi thương hiệu này – Bầu Đệ, cho tôi nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc cuộc đời; nhưng bóng đá cũng khiến tôi hao tâm tổn trí, thậm chí tôi phải đặt 2 stell tim mạch cũng vì bóng đá.
Phải khẳng định rằng, tôi đến với công tác quản lý bóng đá không phải vì đam mê, yêu thích bộ môn này, mà vì tinh thần, trách nhiệm với quê hương, với những người hâm mộ bóng đá xứ Thanh. Tôi yêu quê hương Thanh Hoá và sống chết ở nơi này, cho nên tôi vẫn nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh rằng, tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ thành quả đội bóng, dù có chết ở trên sân tôi cũng sẽ làm.
Suốt 5 năm gắn bó với bóng đá ở giai đoạn 1 (2010 – 2015), tôi hứa và đã thực hiện, năm 2014 tôi đã giúp Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hoá trải qua mùa giải xuất sắc nhất trong lịch sử câu lạc bộ tính đến thời điểm đó ở kỷ nguyên V-League giành vị trí thứ 3 chung cuộc và nhận Huy chương Đồng sau hơn 60 năm thành lập đội. Bóng đá Thanh Hoá không chỉ tự hào với thành tích tuyệt vời trên sân cỏ, mà còn vô cùng hãnh diện với lực lượng cổ động viên đông đảo và cuồng nhiệt nhất cả nước. Những khán đài đông nghịt khán giả, biển người mặc áo vàng đã trở thành thương hiệu và tấm băng rôn mang dòng chữ “Hào khí Lam Sơn” là đặc điểm nhận biết không lẫn vào đâu được của các cổ động viên Thanh Hoá. Vì cơ duyên, tôi dừng quản lý Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hoá năm 2015, nhường chỗ cho Tập đoàn FLC tiếp quản.
Bắt đầu mùa giải năm 2019, Tập đoàn FLC thông báo trả đội bóng, cả đội bóng như đứng chơi vơi giữa dòng nước, Câu lạc bộ gặp vô vàn khó khăn về chuyên môn, thành tích thi đấu liên tục bết bát, vận động viên chủ lực bị chuyển nhượng gần hết, đặc biệt là tình hình tài chính hoạt động gặp khó khăn… Tôi lại nhảy vào cuộc.
Phải mất một mùa giải năm 2019, bóng đá xứ Thanh mới lấy lại sự ổn định. Kết thúc mùa giải năm 2019, đội bóng đá Thanh Hóa đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng. Các đội bóng trẻ đạt được nhiều thành tích tốt trong mùa giải, cụ thể: Đội U15 Thanh Hóa đoạt giải Nhì toàn quốc; Đội U17 đoạt giải Nhất toàn quốc.
Bước sang mùa giải 2020, tình hình đội bóng càng ổn định hơn, thi đấu với thành tích tốt hơn, Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa trụ hạng thành công trước 3 vòng đấu, đội U17 lọt vào vòng chung kết giải bóng đá U17 quốc gia.
PV: Điều gì đọng lại trong ông sau 2 giai đoạn quản lý CLB Bóng đá Thanh Hoá.
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Bóng đá cho tôi nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc, bóng đá cũng khốc liệt không kém gì thương trường. Thắng thì không sao, nhưng thua là lĩnh đủ ngay, giai đoạn tôi làm bóng đá, người ta nói xấu tôi trên mạng hằng ngày, thậm chí tôi nhận tin nhắn đe doạ như cơm bữa. Nhưng phải khẳng định rằng, bóng đá đã giúp tôi trui rèn bản lĩnh, lòng nhiệt huyết, ý chí sắt đá, “dĩ bất biến ứng vạn biến” để bảo vệ thành quả của đội bóng quê hương.
Nhưng đến nay, tôi nghĩ mình đã có tuổi và muốn dành thời gian để tập trung vào việc kinh doanh. Tôi không tham gia mảng bóng đá nữa nhưng chưa bỏ xem trận nào mỗi khi có sự góp mặt của đội bóng quê hương (cười).
PV: Gần 30 năm trên thương trường và nếm trải đủ “gia vị” của cuộc sống, đến lúc này, ông còn ấp ủ điều gì?
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Tôi cho rằng, kinh doanh là công việc áp lực nhưng thú vị nhất trên đời. Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng tôi ấp ủ viết một cuốn sách về cuộc đời mình. Những điều hôm nay bạn được nghe chỉ là một phần nhỏ so với những thử thách tôi đã trải qua. Tôi muốn để lại một điều gì đó có giá trị cho thế hệ trẻ mai sau, những người có thiên hướng khởi nghiệp và đam mê làm kinh doanh, dám chấp nhận thử thách để vươn lên. Tôi sẵn sàng làm người truyền lửa, truyền lại kinh nghiệm và trí tuệ của mình một cách vô điều kiện cho những người có chí hướng làm giàu…
Cả cuộc đời tôi, đến giờ này vẫn cứ trăn trở với hai tiếng “doanh nhân”. Nói thật, mỗi khi nhắc đến nó, tôi đều cảm thấy trong trái tim mình một sứ mệnh phụng sự tổ quốc, cống hiến cho quê hương… Đặc biệt, tôi mong Nhà nước, xã hội cần nhìn nhận đúng vị thế của doanh nhân. Họ không phải là “con buôn”, “con phe” như xã hội ngày trước kỳ thị mà ngày nay, doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong công cuộc đổi mới, hội nhập – trở thành “rường cột” phát triển đất nước, là động lực của tăng trưởng kinh tế nước nhà.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện nhiều cảm xúc này.
Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực tiền thân là Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực được thành lập từ năm 1996. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng hoạt động.
Đến nay, Tổng Công ty Hợp Lực có trên 20 công ty, doanh nghiệp chi nhánh hoạt động trên mọi lĩnh vực: Y tế, giáo dục đào tạo, nghĩa trang – hoả táng, bất động sản, vận tải, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng… với uy tín, thương hiệu ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Năm 2005, Tổng Công ty đã đầu tư Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực khu vực thành phố Thanh Hoá với quy mô ban đầu 100 giường bệnh. Đến nay, sau hơn 15 năm hoạt động, Bệnh viện được nâng quy mô lên 800 giường bệnh.
Năm 2017 Tổng Công ty đầu tư Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tổng mức đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, khánh thành ngày 5/5/2019.
Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp Lực được tặng danh hiệu “Vì sự phát triển của Thanh Hóa”./.