Sáng ngày 26/2/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ ba Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
GS. TS Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực tham dự Phiên họp và phản ánh 3 vấn đề liên quan đến: Sửa đổi quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm; Thủ tục xin ý kiến Ủy viên UBND tỉnh đối với các dự án và Tồn tại quá nhiều ban chỉ đạo tại các địa phương, cụ thể:
1. Sửa đổi quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm
Hiện nay cả nước có hàng triệu phương tiện giao thông (ô tô, mô tô, xe gắn máy) bị tạm giữ do người điều khiển vi phạm. Thống kê giai đoạn 2013-2019, đã có hơn 4,3 triệu xe ôtô, gắn máy bị tạm giữ. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an đã giữ 528.461 phương tiện các loại. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở tạm giữ xe thuộc quản lý của lực lượng cảnh sát giao thông. Đặc biệt tại các thành phố lớn, quỹ đất hạn chế, các bãi tạm giữ xe liên tục quá tải. Nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, an toàn PCCC, phương tiện bị hư hỏng do mưa nắng. Thậm chí tại một số bãi tạm giữ xe vi phạm đã xảy ra tình trạng cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản. Việc đầu tư, duy trì các cơ sở tạm giữ xe vi phạm cũng gây tốn kém ngân sách…
Từ năm 2023, sau khi lực lượng CSGT triển khai đo nồng độ cồn, số phương tiện vi phạm tăng đột biến, gây áp lực nặng nề đối với các kho, bãi tạm giữ xe. Một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền lớn, nhiều hơn giá trị của xe nên nhiều người đã bỏ xe, dẫn đến các phương tiện vi phạm bị đưa vào kho tạm giữ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thủ tục để bán đấu giá các loại tài sản vi phạm rất phức tạp, cần nhiều thời gian nên hầu như các kho, bãi tạm giữ xe chỉ tăng chứ không giảm về số lượng.
Do vậy, trừ các phương tiện là tang vật trong các vụ án hình sự hoặc các trường hợp người vi phạm lỗi nặng, nên nghiên cứu sửa đổi bỏ tạm giữ phương tiện trong một số trường hợp lỗi nhẹ. Có thể tăng tiền phạt thay cho việc tạm giữ phương tiện. Bởi lẽ, người vi phạm đã bị tạm giữ giấy phép lái xe nên bị tước quyền điều khiển phương tiện giao thông nên việc tạm giữ phương tiện không thực sự cần thiết. Qua đó, hạn chế số lượng xe bị tạm giữ, giảm bớt áp lực cho cơ quan quản lý, tiết kiệm quỹ đất, ngân sách nhà nước…
2. Thủ tục xin ý kiến Ủy viên UBND tỉnh đối với các dự án
Hiện nay, theo quy chế làm việc của một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thủ tục xin ý kiến của các ủy viên ủy ban nhân dân tỉnh đối với hầu hết các tờ trình, kế hoạch, đề án, dự án…chưa thực sự phù hợp, nặng tính hình thức theo hướng chịu trách nhiệm tập thể, chung chung…
Ví dụ 1: Sở Tài nguyên và Môi trường dự thảo tờ trình về phương án giá đất. Trên cơ sở đó, Văn phòng UBND tỉnh gửi phiếu xin ý kiến đến tất cả các ủy viên ủy ban nhân dân tỉnh (Tất cả giám đốc sở, thủ trưởng ngành). Điều này dẫn đến tình trạng, một số sở lĩnh vực quản lý không liên quan đến giá đất như: Nội vụ, Ngoại vụ, Giáo dục & đào tạo, Thông tin & truyền thông, Bộ chỉ huy quân sự…, do đó không có bộ phận có chuyên môn để tham mưu cho thủ trưởng đơn vị (tức ủy viên ủy ban nhân dân), dẫn đến văn bản trả lời đa số đều đồng ý cho xong việc.
Ví dụ 2: Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo kế hoạch đào tạo Vận động viên dự Đại hội TDTT toàn quốc trình UBND tỉnh. Để hoàn thiện kế hoạch, căn cứ quy chế làm việc của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh gửi phiếu xin ý kiến đến tất cả ủy viên ủy ban nhân dân tỉnh.
Vì vậy, nên cắt giảm bớt thủ tục này bằng cách sửa đổi quy chế làm việc của UBND cấp tỉnh. Quy định chỉ trong trường hợp cần thiết, những chương trình, dự án trọng điểm mới xin ý kiến toàn thể ủy viên ủy ban nhân dân. Các vấn đề mang tính chuyên ngành, chuyên biệt, chỉ cần xin ý kiến các vị ủy viên ủy ban là thủ trường các sở, ngành mà lĩnh vực quản lý liên quan đến nội dung cần xin ý kiến. Tránh hình thức, lãng phí thời gian, kéo dài thủ tục, tránh nguy cơ lợi dụng trách nhiệm tập thể để trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu, không quyết liệt, không dám nghĩ, dám làm trong chỉ đạo, điều hành của người có trách nhiệm…
3. Tồn tại quá nhiều ban chỉ đạo tại các địa phương
Hiện nay, trung bình mỗi tỉnh, thành ở nước ta có trên 60 ban chỉ đạo. Trưởng, phó ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh. Thành viên BCĐ là lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã…Tương tự như vậy ở cấp huyện, xã, phường cũng tồn tại rất nhiều ban chỉ đạo và được cơ cấu tương tự như cấp tỉnh, với sự tham gia của rất nhiều thành phần. Một số sở do quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương chỉ có tối đa 2 phó giám đốc, hoặc những huyện chỉ có 2 phó chủ tịch thì mỗi cấp phó phải tham gia 20 – 30 ban chỉ đạo, chưa kể đi họp ban chỉ đạo thay cho cấp trưởng. Thực tế, nhiều người không nhớ hết các ban chỉ đạo mà họ tham gia, không thể bố trí sắp xếp thời gian để đi dự họp hết được…
Theo ý kiến GS. TS Nguyễn Văn Đệ, cần tinh gọn lại các ban chỉ đạo, nhất là ở cấp huyện, xã; phân cấp, giao quyền cho các sở, ngành đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Tránh trường hợp người chỉ đạo thì nhiều nhưng người thực hiện, người làm việc thì ít. Một số công việc bị chồng chéo trong chỉ đạo, dẫn đến bị nghẽn, bị chậm, có nguy cơ thành việc chung, không có ngành nào chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm…Bên cạnh đó, nên nghiên cứu tổng thể để sắp xếp lại các ban chỉ đạo theo hướng liên ngành (rộng), liên lĩnh vực để giảm thiểu thời gian họp, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực đối với lĩnh vực mà các cá nhân lãnh đạo phụ trách….