Thông tin báo chí

Home / Thanh Hóa: Không nên “chẻ chữ”, “bói chữ” gây khó dễ cho doanh nghiệp

Thanh Hóa: Không nên “chẻ chữ”, “bói chữ” gây khó dễ cho doanh nghiệp

01/04/2023

Chia sẻ

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp nếu phát hiện việc phiền hà, nhũng nhiễu thì gọi điện trực tiếp cho người đứng đầu sở ngành, thậm chí phản ánh trực tiếp cho chủ tịch tỉnh.

Hội nghị Gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa thu hút 300 đại biểu doanh nghiệp tham dự

Sáng 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp mặt doanh nghiệp năm 2023. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp với quy mô lớn: 300 đại biểu doanh nghiệp và hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Khai mạc hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hàng tháng, chủ tịch UBND tỉnh vẫn tổ chức các cuộc gặp mặt định kỳ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc đột xuất. Còn cuộc gặp lần này có số lượng doanh nghiệp lớn, tập hợp nhiều vấn đề khó khăn chung của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, nhằm lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Vẫn còn tình trạng “bói chữ”, “chẻ chữ” trong tham mưu văn bản

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Hợp Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, hiện nay, công tác tham mưu văn bản cho Chủ tịch UBND tỉnh ở một số sở, ngành chưa hiệu quả, còn có tình trạng đùn đẩy, “sở này đá sang sở kia”, nội dung tham mưu chung chung, không rõ ràng, không đề xuất cụ thể, trực tiếp giải pháp.

Dẫn chứng 5-6 dự án của công ty ông đều phải dừng lại vì sự xung đột giữa các quy định của pháp luật nhưng cơ quan tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh không tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Các anh bắt đằng nào cũng đúng cả vì thông tư, nghị định vướng nhau. Vấn đề là sự vận dụng chính sách pháp luật trong thực tiễn để giúp doanh nghiệp, giúp tỉnh, giúp người dân vì sự phát triển chung chứ không phải chăm chăm ngồi …bói chữ, chẻ chữ trong các văn bản”, ông Đệ bức xúc lên tiếng.

Ông Đệ đề xuất Thanh Hóa cần phải tăng cường các cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, phải đổi mới nhận thức và sáng tạo trong quản lý, điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phát triển thì Thanh Hóa phát triển. “Nhiều người lên bục nói rất hay, rất hoành tráng nhưng không chịu đổi mới, còn mang yếu tố cá nhân trong công việc chung. Ai như vậy thì xin nghỉ chứ không thể chấp nhận cán bộ không chịu đổi mới”, ông Đệ nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, hỗ trợ doanh nghiệp là phải vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật chứ không phải ngồi “chẻ chữ, bói chữ” gây khó dễ cho doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp, ông Đệ thừa nhận trong một thời gian dài, chỉ lo quan tâm sản xuất kinh doanh mà chưa quan tâm đến các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực của mình. Đến khi chính sách ban hành, ảnh hưởng đến quyền lợi thì mới thấy bất cập. Do đó, vấn đề góp ý, phản biện, xây dựng cơ chế chính sách phải được các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa.

Trao đổi về vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Đỗ Minh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đâu đó vẫn còn tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, chậm trễ, trả lời chung chung khi thực thi nhiệm vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp nếu phát hiện các trường hợp như vậy, nhất là việc phiền hà, nhũng nhiễu thì gọi điện trực tiếp cho người đứng đầu sở ngành, thậm chí phản ánh trực tiếp cho chủ tịch tỉnh, cho các phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực.

“Chúng tôi rất sốt ruột. Tất cả đều do con người. Thủ tục cũng do mình. Thế nên bên cạnh rút ngắn thủ tục trong điều kiện có thể, lâu nay UBND tỉnh giao việc cho sở nào đều có câu đến ngày bao nhiêu hoặc trước ngày bao nhiêu phải hoàn thành. Công văn của ai, đến ngày nào, cán sự, chuyên viên, Phó chủ tịch, Chủ tịch ai đang xử lý, dang nằm ở đâu, tiến độ xử lý thế nào đều được theo dõi cụ thể. Tôi đang chỉ đạo các sở cũng như vậy và các huyện cũng phải như vậy. Cần phải có sự giám sát.

Tôi đề nghị các doanh nghiệp nếu phát hiện các trường hợp cán bộ làm sai, đặc biệt là nhũng nhiễu, có thể phản ánh ngay cho giám đốc sở, cho các phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh. Nếu đó là phản ánh chính xác, chúng tôi kiên quyết xử lý ngay”, ông Đỗ Minh Tuấn cam kết.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ 2 từ phải sang) cùng các PCT UBND tỉnh chủ trì cuộc gặp gỡ doanh nghiệp

Nóng chuyện phòng cháy chữa cháy

Trong số 13 ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị, có 9 ý kiến kêu khó liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Riêng khu công nghiệp Tây Bắc Ga có hơn 100 cơ sở bị xử phạt, đình chỉ, tạm đình chỉ do vi phạm quy định về PCCC.

Ông Cao Tiến Đoan, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho đây là vấn đề rất “nóng” vì tiêu chuẩn PCCC theo quy định cao, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng kịp. Một số DN bị đóng cửa không thể hoạt động khiến người lao động mất việc làm, gây ra nhiều hệ lụy xấu.

Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu bày tỏ lo ngại, nếu áp các quy định PCCC theo tiêu chuẩn của Nghị định 146, thì có đến 85% khách sạn, nhà nghỉ không đảm bảo quy định. Trong khi mùa du lịch đã cận kề, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này sẽ gặp khó.

Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu lo ngại áp dụng quy định mới về PCCC sẽ ảnh hưởng trước mắt đến việc kinh doanh của các DN lĩnh vực du lịch

Cả ông Cao Tiến Đoan đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cần có giải pháp linh hoạt hỗ trợ các doanh nghiệp vi phạm. Cần có giãn thời gian khắc phục hậu quả vi phạm để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh. Nhất là đối với các nhà hàng, khách sạn tại các khu du lịch như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…rất cần tạo điều kiện về thời gian và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh vào mùa hè du lịch biển 2023.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc công ty CP điện lực Thanh Hóa bức xúc cho biết, việc đình chỉ hoạt động khiến các doanh nghiệp không có lối thoát, nhiều doanh nghiệp phá sản: “Tôi đơn cử như có doanh nghiệp cơ khí đang phát triển thì covid-19 ấp đến. Các đơn hàng cho nước ngoài không thực hiện được.

Khi covid-19 vừa qua đi, đang loay hoay tìm lối ra thì quy định mới về PCCC ập đến, bị đình chỉ sản xuất, bị đóng cửa, cuối cùng nợ ngân hàng chồng chất, họ phá sản. Thậm chí ông giám đốc tôi đến tiếp xúc, ông ấy còn bị tự kỷ, ông ấy sợ. Đó là một thực tế không chỉ với một công ty…”

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Tiến Đoan cho biết, đối với một số vấn đề khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền tỉnh, hiệp hội sẽ kiến nghị các cơ quan trung ương để gỡ khó cho DN

Giải đáp các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm về PCCC, đại tá Lê Như Lập, Phó giám đốc Công an Thanh Hóa cho biết, ngành công an đang thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, đúng quy định theo tinh thần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Lập cho biết, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tổng hợp các vướng mắc về công tác PCCC, báo cáo UBND tỉnh để đưa ra giải pháp, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xây dựng sắp tới như: Luật PCCC, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành khác; đồng thời, sẽ tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các DN, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

Đại tá Lê Như Lập, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho rằng nếu cứ áp dụng quy định mới về PCCC thì có tới 99% cơ sở sản xuất, thậm chí công sở, trường học không đáp ứng được. Do đó, dù công an đang làm đúng quy định nhưng phải linh hoạt, theo hướng đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chứ không phải chỉ tìm ra vi phạm để xử phạt. Chỉ áp dụng đình chỉ đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng.

Ông Tuấn cũng đề nghị Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế Nghi Sơn nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phấn đầu trình UBND tỉnh trong tháng 5/2023, theo hướng hạ tầng chung về PCCC phải do nhà nước thực hiện, doanh nghiệp chỉ đấu nối vào các vị trí.

Bão giá vật liệu xây dựng

Đại diện cho khối các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, ông Nguyễn Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thượng mại Lam Sơn chia sẻ hiện nay nhu cầu về vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa rất lớn do thi công nhiều dự án trọng điểm. Tuy nhiên, giá bán vật liệu xây dựng như đất san lấp, cát xây dựng, đá rất cao, gây khó khăn cho các nhà thầu.

“Trong công bố giá của liên sở mới nhất, giá đất chỉ có 50.000 đồng/ m3 nhưng chúng tôi mua 60.000 đồng. Giá cát xây tại TP Thanh Hóa 230.000/m3 nhưng mua vào gần 400.000 đồng. Riêng cát bê tông thì lên đến 440.000 đồng/m3. Giá như vậy thì nhà thầu không tồn tại được”, ông Hải nêu ví dụ về chênh lệch giữa giá công bố của cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở thanh toán với chủ đầu tư và giá mua thực tế tại các mỏ.

Trên cơ sở đó, ông kiến nghị tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương ban hành niêm yết giá công khai tại các cơ sở khai thác. Tránh trường hợp niêm yết một đằng bán một nẻo. Nếu giám sát tốt việc này, phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa mỏ thì chủ cơ sở khai thác mới sợ.

Đại diện cho các DN lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Minh Hải, PCT Hiệp hội DN Thanh Hóa kiến nghị cần sớm công bố niêm yết giá VLXD

Đối với các công trình trọng điểm của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua, ông Hải đề nghị cần có giải pháp cấp mỏ trực tiếp đối với các nhà thầu thi công để tiết kiệm được chi phí, hết thời hạn thì thu hồi để tài nguyên không thất thoát. Về đấu thầu trọn gói, theo ông Hải, hiện tiến độ quy định là 12 tháng. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phần lớn các dự án này đều đấu thầu trước khi giải phóng mặt bằng. Do đó trong trường hợp giải phóng mặt bằng chậm, dự án kéo dài, giá vật liệu tăng khiến các nhà thầu gặp khó.

Trả lời vấn đề ông Nguyễn Minh Hải kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong tháng 4/2023, UBND tỉnh sẽ có một hội nghị bàn sâu hơn về giá vật liệu xây dựng. Ông Tuấn đặt ra vấn đề tại sao vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa lại thiếu? Việc công bố giá hàng tháng, hàng quý phải tính cho sát.

“Nếu không thì nhà thầu làm cũng chết, không làm cũng chết. Nói nôm na, làm thì ốm nhưng không làm thì ốm nặng hơn. Tới đây phải đánh giá lại quy hoạch, trữ lượng các mỏ. Phải chuyển niêm yết giá về một số địa chỉ để cơ quan chức năng theo dõi. Mỏ vật liệu không chỉ phục vụ cho năm nay mà còn phải tính toán cho các năm tới. Đối với các công trình thi công quốc lộ, giao mỏ vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư hoặc giao cho nhà thầu chứ không thể giao cho một doanh nghiệp khác nào đó rồi bán lại với giá bao nhiêu thì bán”, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận hội nghị

Theo chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, không chỉ có hội nghị lần này, mà nếu có khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp. Dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đó là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, ông Tuấn mong muốn các doanh nghiệp nỗ lực cố gắng để vượt qua, tiếp tục tái cấu trúc lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường quản trị doanh nghiệp. Tỉnh sẽ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ với tinh thần doanh nghiệp phát triển thì địa phương phát triển.

Nguồn: Báo Gia đình Việt Nam

Chia sẻ

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay